Sea Games 28 những cô gái vàng của Việt Nam

SEA Games 2015 ngập tràn sắc đỏ cờ Việt Nam, lấp lánh những tấm huy chương (HC) vàng quý giá, và mềm mại những gương mặt, nụ cười, dáng hình phụ nữ.

Đường từ đỉnh cao
Những cô gái và những người mẹ trong đội tuyển Việt Nam đã làm đấu trường bùng nổ, ngỡ ngàng trong say mê và cảm phục. Nàng tiên cá Nguyễn Thị Ánh Viên 19 tuổi làm dậy sóng đường đua xanh khi giành 8 HC vàng và phá 8 kỷ lục SEA Games.

HC vàng môn judo của nữ vận động viên (VĐV) Như Ý không chỉ khiến người xem bất ngờ, mà còn nghẹn ngào trước tấm gương vượt qua nghịch cảnh. Hà Thanh chiến thắng trên chiếc gối bị chấn thương.

Cô gái Nguyễn Thị Huyền phá kỷ lục 400m rào tồn tại suốt 20 năm… Họ là những mỏ vàng của thể thao, khi tung bước bay lượn trên sàn thi đấu, lao đi trong đường đua xanh hay mỉm cười dịu dàng trên bục nhận HC, họ đang hiện thực hóa, hình tượng hóa niềm kiêu hãnh của phụ nữ.

Thể thao đỉnh cao bao giờ cũng gây nên niềm hứng khởi cao độ, sự cảm phục, lòng tự hào. Thành tích của VĐV giúp người ta hiểu rõ những gì mà sự khổ luyện và ý chí sắt thép của con người có thể đạt được. Thể thao đỉnh cao đẩy xa những cực hạn, chinh phục những kỷ lục, phá vỡ những định kiến để con người xích lại gần nhau hơn trong tinh thần thượng võ.

Khi những tấm HC được quàng lên vai VĐV, và quốc kỳ tung bay trên đấu trường quốc tế, người ta hiểu những giá trị của dân tộc, của giống nòi đã được đặt lên cao hơn giá trị của cá nhân. Tinh thần hy sinh trong thể thao đỉnh cao là một trong những nền tảng cốt lõi.

Kỳ diệu hơn khi người mở rộng những cực hạn ấy là phụ nữ. Để bước lên đỉnh cao ngày hôm nay, họ phải nén lại những mơ ước riêng, sắp xếp lại những dự định của mình để thể thao được ưu tiên. Tuổi tác, sức khỏe, tâm lý, những vướng bận gia đình là chuyện mà phụ nữ thường khó vượt qua, thì với họ, phải trở thành việc nhỏ, phải nhường chỗ cho lịch tập luyện, lịch thi đấu, cho kỷ luật sắt của bản thân, tập trung tinh thần, tâm trí, sức lực cho mục tiêu chiến thắng. Hơn ai hết, những người phụ nữ gắn đời mình với thể thao đỉnh cao hiểu rõ sự hy sinh này.

Vinh quang ai cũng thấy, chói lòa, rực rỡ. Nhưng vinh quang chỉ là khoảnh khắc. Phía sau giây phút rực rỡ ấy là nỗi lo của người mẹ, khi sợ con gái mình theo nghiệp thể thao sẽ khó có con; là gánh nặng kinh tế gia đình, người thân đau ốm, bệnh tật. Khi đứng trên đỉnh cao kỷ lục mình vừa mới lập, nhận tấm HC vàng vinh danh người chiến thắng, họ chỉ có một mình.

Rời đỉnh cao ấy, bước theo hướng nào cũng là quyết định khó khăn. Từ đỉnh cao chót vót bước sang hạnh phúc là con đường chông chênh và đơn độc đối với phụ nữ. Với một số người, chặng đường phấn đấu bước lên, chặng đường chinh phục đỉnh cao đã lấy đi hầu hết sức lực, họ chỉ còn lại rất ít ỏi cho phần đường còn lại.

Đường từ đỉnh cao
Trong khoảng lặng sau vinh quang, có những mơ ước đời thường. Bản thân họ cũng có những nhu cầu về hạnh phúc gia đình, về nhan sắc, về cuộc sống như bất cứ người phụ nữ bình thường nào. Cha mẹ, chồng con họ cũng mong ước điều đó. Nhưng chẳng dễ dàng gì. Những chấn thương, tổn thương dây chằng, khớp, những lần vắt sức cho tập luyện thi đấu, những thử thách căng thẳng trong suốt quá trình tập luyện để trở thành đại kiện tướng có thể để lại những di chứng về sau, không gì bù đắp nổi.

Làn da con gái khiến người ta xót xa vì tàn nhang, sạm nước hồ bơi, nắng gió, mà chủ nhân của nó mới mười chín đôi mươi. Xem hình trên sàn đấu thể thao, chỉ có người trong cuộc mới biết, hoặc đỉnh cao, hoặc không là gì cả. Nếu xót nhan sắc, tiếc thân mình, thì đừng mơ đến chinh phục đỉnh cao. Chấp nhận hy sinh, quên đi bản thân và những giới hạn của mình, mới có thể vươn lên, bay cao đến những kỷ lục mới.

Đường từ đỉnh cao
So với các nước, nền thể thao nước nhà vẫn còn non trẻ, vẫn đang tập trung toàn bộ tinh lực cho việc thi đấu, khẳng định tên tuổi, tài năng VĐV và vị thế quốc gia trên trường thể thao đỉnh cao quốc tế. Chặng đường thứ hai, rất quan trọng, rất nhân văn, nhưng vẫn chưa được chú trọng: chặng đường từ đỉnh cao thể thao đến một sự nghiệp trọn vẹn, chặng đường được thiết kế, quy hoạch hợp lý để những VĐV đỉnh cao tiếp tục đóng góp phù hợp, để họ có thể thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống. Đừng để họ “rơi tự do” từ đỉnh cao ấy, đừng để họ phải tự đương đầu với những lần phẫu thuật, những cơn đau, những di chứng của chấn thương mà cho đến thời kỳ “hậu huy chương” mới lộ diện.

Người ta không sinh ra để đứng mãi trên những đỉnh cao. Từ bất cứ đỉnh cao nào, cũng cần có con đường an toàn, thoải mái, để người ta chạm đất, sống cuộc sống thực sự sau những giây phút rực rỡ hào quang. Bởi cuộc sống thực sự ấy đáng giá vô cùng, nhất là đối với những người phụ nữ…