Những nơi rất bẩn trong nhà mà bạn ít ngờ tới

Gối, thú nhồi bông, điều khiển… ẩn chứa nhiều mầm mống gây bệnh nhiều hơn bạn tưởng.

1. Gối

Gối và vỏ gối được xem là nơi trú ẩn lý tưởng cho nhiều loại vi khuẩn. Thậm chí, một số loài rệp cũng sinh sống trong gối, gây tổn hại tới sức khỏe. Điển hình là bệnh viêm kết mạc, đau mắt đỏ xuất hiện do các yếu tố gây dị ứng, vi khuẩn ở gối. Bụi có nhiều trong gối cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về hô hấp.

chan goi ban
Chăn gối cần được giặt thường xuyên để đảm bảo vệ sinh. Ảnh minh họa: Mainlips.

2. Thú nhồi bông

Tương tự như gối, thú nhồi bông rất dễ bị các loại vi khuẩn, mềm bệnh xâm nhập do bề mặt dễ bám dính. Hơn nữa, khi trẻ em chơi thú nhồi bông, chính bản thân các em cũng trở thành nơi trú ngụ cho vi khuẩn. Bạn cần vệ sinh làm sạch đồ chơi cho trẻ nhỏ thường xuyên, đặc biệt khi nhiều bé chơi gấu bông chung.

3. Điều khiển đồ điện tử

Điều khiển tivi, điều hòa, quạt… đều là mối đe dọa cho sức khỏe đời sống khi chúng dễ dàng để vi khuẩn định cư. Trên bề mặt của các loại điều khiển còn chứa chất dinh dưỡng để cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn.

4. Tay nắm cửa

Không chỉ ở các nơi công cộng, tay nắm cửa trong gia đình cũng nhiễm khuẩn nhiều hơn bạn tưởng. Đây là khu vực được chúng ta tiếp xúc nhiều mỗi ngày, nên đặc biệt phải làm sạch thường xuyên. Chú ý vào những tháng mùa đông, nguồn lây bệnh cúm, cảm lạnh tiềm ẩn rất lớn ở tay nắm cửa.

5. Viền cánh cửa tủ lạnh

Nấm mốc rất ưa những nơi ẩm và tối. Viền cao su của cánh cửa tủ lạnh là thiên đường của chúng. Mốc lan rộng bằng cách phát tán những bào tử nhẹ để bay lơ lửng trong không khí.

6. Miếng rửa bát

Bề mặt nhám, xốp của miếng rửa bát cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ. Ngoài ra, độ ẩm hoàn hảo và đồ ăn thừa dính trên đó chẳng khác nào những bữa tiệc thịnh soạn với chúng.

7. Bàn phím máy tính

Tương tự như tay nắm cửa, bàn phím được nhiều thành viên trong gia đình dùng thường xuyên nên vi khuẩn dễ lây lan. Bạn cần rửa tay trước và sau khi gõ trên bàn phím để ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng.

8. Thớt

Một số loại vi khuẩn trong thịt sống như Salmonella, E.Coli, Listeria hay Campylobacter sẽ lây lan sang thớt. Do vậy, bạn nên tránh dùng chung thớt cho thực phẩm chín và sống. Ngoài ra, thớt nhựa sẽ hạn chế lượng vi khuẩn sinh sôi hơn là đồ gỗ.

9. Phía sau toilet

Vi khuẩn tồn tại trong nhà tắm không chỉ ở một vài vị trí quen thuộc như bồn cầu. Khi gạt xả toilet, lượng nhỏ nước sẽ bắn ra ngoài không khí và mang theo nhiều vi khuẩn. Chúng sẽ bám dính vào bề mặt nhà tắm. Khu vực phía sau toilet là nơi bạn ít cọ rửa đến nhất, nên vi khuẩn sẽ trú ngụ và phát triển rất nhanh. Giải pháp là bạn nên đậy nắp toilet trước khi xả nước.