Bóng đá Việt Nam : Xin đừng ảo tưởng

Là người Việt Nam chắc chắn các CĐV luôn luôn dõi theo và dành sự quan tâm đặc biệt của mình cho nền bóng đá nước nhà. Ai trong chúng ta chắc hẳn từng một lần hy vọng rằng bóng đá Việt Nam sẽ “bơi” khỏi ao làng để vươn ra tầm châu lục, thế giới. Nhưng đã bao năm qua đi người hâm mộ có được niềm vui thì ít còn nỗi buồn của sự thất vọng thì quá nhiều.

Bóng đá Việt Nam: Xin đừng ảo tưởng sức mạnh
AFF Cup 2008 vẫn là danh hiệu duy nhất của bóng đá Việt Nam ở tầm khu vực. Ảnh: Internet.

Từ chức vô địch AFF Cup 2008 của ĐTQG Việt Nam

Những ngày cuối năm 2008 là thời gian người hâm mộ bóng đá nước nhà sống trong niềm sung sướng, tự hào thật sự, bởi đội tuyển của chúng ta đã đánh bại tất cả các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có “ông kẹ” Thái Lan để lên ngôi vô địch AFF Cup. Cuối cùng thì có một ngày Việt Nam cũng bước lên bục cao nhất để nhận phần thưởng cho nhà tân vô địch.

Sau giải đấu thành công rực rỡ ấy bóng đá nước nhà càng có thêm động lực, sức mạnh cho sự phát triển, còn người hâm mộ thì quả quyết rằng nền bóng đá chúng ta đã vươn lên một tầm cao mới. Những suy nghĩ đó hoàn toàn có cơ sở bởi ở Sea Games 25, năm 2009 diễn ra tại Lào U23 của chúng ta đã bước vào đến trận chung kết. Nhưng có ai ngờ được sau trận thua tức tưởi trước Malaysia lại mở ra một giai đoạn đen tối cho bóng đá nước nhà.

Những kỳ AFF Cup cũng như SEA Games tiếp theo các đội tuyển bóng đá Việt Nam đều thất bại cay đắng, tủi nhục. Đến nay chúng ta chợt nhận ra rằng nền bóng đá nước nhà chỉ dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là thụt lùi so với các nước trong khu vực.

Đến sự thăng hoa của U19 Việt Nam

Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, khi lứa cầu thủ của học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG nổi tiếng vì hợp tác “sản xuất” cùng Arsenal danh tiếng bên trời Âu, có những bước chuyển mình tích cực, họ có những giải đấu tập huấn, giao hữu dành cho lứa trẻ cực kì thành công bằng một lối chơi được xem là hiệu quả đẹp mắt, phù hợp với thể trạng của người Việt Nam thì cũng là lúc mà người hâm mộ bóng đá nước nhà một lần nữa mơ mộng rằng: Từ nay chúng ta sẽ “đổi đời”.

  • Cập nhật liên tục ketquabongda các trận cầu hấp dẫn diễn ra trong tuần
Bóng đá Việt Nam: Xin đừng ảo tưởng sức mạnh
Sau thắng lợi để đời 5-1 trước U19 Australia, U19 Việt Nam trở thành hàng hot của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Internet.

U19 Việt Nam mà nòng cốt chính là các học viên xuất sắc của HAGL JMG ra đời, những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng,… bắt đầu được quen mắt nhớ tên trong thành phần đội tuyển trẻ này. Tháng 9 năm 2013 U19 Việt Nam bắt đầu chính thức trình làng NHM nước nhà khi tham dự giải U19 Đông Nam Á ở Indonesia, dù thua ở trận chung kết gặp đội chủ nhà nhưng với lối chơi phóng khoáng, hoa mỹ các cầu thủ trẻ này lập tức được yêu mến từ nhiều nơi ở trong và ngoài nước.

Tiếp đà thăng hoa những chàng trai trẻ U19 Việt Nam đã có thêm những đợt tập huấn cũng như những giải đấu khác cực kì bổ ích. Chúng ta từng chơi tưng bừng ở giải giao hữu đầu năm 2014 ở TP. Hồ Chí Minh, mặc dù U19 Việt Nam không thể giành chiến thắng trước những đội trẻ của Tottenham, AS Roma, Nhật Bản nhưng lối chơi ban bật bóng ngắn tuyệt mỹ ấy một lần nữa đưa tên tuổi các cầu thủ trẻ vang danh đó đây.

Thế rồi, một ngày chúng ta chợt nhận ra các đối thủ cùng lứa tuổi trong khu vực cũng đang lớn mạnh không thua gì U19 Việt Nam. Ở VCK U19 Châu Á đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Guillaume Graechen đã thất bại toàn tập trước những đối thủ lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính giải đấu ấy đã chỉ ra rằng chúng ta chưa là gì so với những anh hào ngoài “biển lớn”.

Ở một diễn biến khác U19 Myanmar – đối thủ cùng đẳng cấp với chúng ta đã thi đấu cực kì xuất sắc, họ đứng thứ 4 giải đấu này và giành vé tham tham dự World Cup U20 vào năm tới ở, trong khi NHM nước bạn rất vui vì thành tích lịch sử này thì người Việt Nam lại thêm một lần nữa thất vọng, họ hiểu rằng không thể thành công ngay lập tức, một bước lên trời chỉ với một HAGL nhỏ bé…

HAGL – sự cuốn hút nhất thời?

Sau những thất bại trong năm 2014 như chúng ta đã biết, nền bóng đá Việt Nam lại có những cải tổ, nhằm nâng cao chất lượng cầu thủ Việt. Những biện pháp được đưa ra như giảm ngoại binh, kêu gọi thành lập học viện và chú trọng đào tạo trẻ.

Bóng đá Việt Nam: Xin đừng ảo tưởng sức mạnh
HAGL khởi đầu V-League là một trận thắng nhưng sau đó mất dần sức hút vì chuỗi trận thất vọng. Ảnh: Internet.

Như thông lệ, đầu năm là lúc mà V-League bắt đầu lên sóng, khác với mọi năm V-League 2014 thu hút khá nhiều ánh nhìn từ các khán giả trên cả nước. Một phần vì VFF đã có những bước đi tương đối đúng hướng trên lộ trình chuyên nghiệp hóa cho bóng đá nước nhà, phần lớn chắc chắn đó là người ta muốn xem rằng HAGL – đội bóng chuyên nghiệp “từ A đến Z” sẽ thi đấu như thế nào ở giải quốc nội.

Ở các vòng đấu đầu tiên của V-league 2015 chứng kiến khán giả đã quay lại với bóng đá nước nhà, những sân đấu trên cả nước đều tấp nập người xem, đương nhiên nhộn nhịp nhất là sân Pleiku của HAGL.

Nhưng khi “hiện tượng” HAGL bị giải mã, V-league cũng giảm đi sức hút từ người hâm mộ, cũng có thể nói rằng khán giả đến sân trong thời gian qua chỉ là sự hiếu kì nhất thời. V-League bớt “nóng” hơn và đương nhiên V-League lại quay về chính xuất phát điểm. Một giải đấu chỉ hấp dẫn người xem khi có những hiện tượng lạ xảy ra.

Kết

Có lẽ nếu đừng hy vọng thì sẽ không thất vọng thật nhiều, NHM chúng ta đã trải qua những giây phút thăng hoa cùng bóng đá nước nhà, rồi sau đó bóng đá nước nhà lại cho ta những niềm đau nhức nhối. Bao giờ vấn nạn mua độ – bán độ kết thúc, bao giờ các trọng tài thôi “bẻ còi”, bao giờ VFF viết thành thạo được 2 chữ chuyên nghiệp?… câu hỏi được NHM đặt ra rất rất nhiều nhưng chẳng biết khi nào có câu trả lời thỏa đáng nhất.

Bóng đá Việt Nam: Xin đừng ảo tưởng sức mạnh
Hãy cổ vũ cho bóng đá Việt Nam chứ đừng chỉ biết ảo tưởng. Ảnh: Internet.

Nói đi cũng phải nói lại, đã là người Việt Nam thì chắc chắn không bao giờ chúng ta có ý nghĩ bỏ rơi các cầu thủ con cưng chỉ với một điều kiện duy nhất, đó là sự thành thật khi chơi bóng. Giận khi đội nhà thua cuộc, điều đó mỗi người trong chúng ta đều từng trải qua. Nhưng giận thì giận mà thương thì lại thương, chỉ cần các cầu thủ thi đấu hết mình vì màu sắc áo, niềm tự tôn dân tộc thì người hâm mộ không bao giờ quay lưng với bóng đá nước nhà.