Phụ huynh hoang mang khi đọc lời nhận xét về con

Thấy lời nhận xét trong sổ theo dõi của các con na ná nhau, anh Nguyễn Bá Minh (Hà Nội) bối rối không biết là con mình học tiến bộ hay thụt lùi.

Cuối tuần đi họp phụ huynh cho con, anh Nguyễn Bá Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn “lơ mơ” không biết năm nay con trai lớp 3 học tiến bộ hay thụt lùi. Anh kể, cuộc họp phụ huynh diễn ra khá nhanh chóng, cô giáo đọc lướt nhanh một loạt báo cáo, anh cố gắng nghe mới biết lớp có 50 học sinh thì 4 cháu được học sinh xuất sắc về mọi mặt, số còn lại đều đạt loại giỏi và khá, không có học sinh yếu kém.

Khi nghe cô giáo thông báo, các vị phụ huynh không thắc mắc gì thêm, riêng anh Minh không vui khi thấy những lời nhận xét còn quá chung chung. Nhìn sang sổ theo dõi của các cháu khác, anh thấy nội dung na ná nhau, như: Môn tiếng Việt đọc lưu loát, cần rèn viết nhiều hơn; Toán nắm vững kiến thức và áp dụng thực hành tốt, cần bồi dưỡng thêm giải toán đố; Thể dục tập hợp được theo hàng dọc và biết cách dàn hàng, tham gia được vào các trò chơi và chơi đúng luật…

nhan xet
Nhiều bậc cha mẹ đi họp phụ huynh về băn khoăn không biết con học tập tiến bộ hay không. Ảnh: Anh Quốc.

Trong sổ, cô cũng dành một số lời động viên cho cháu, nhận xét là cần cố gắng hơn nữa. Nhưng cố gắng để đạt mức nào là điều khiến anh Minh băn khoăn. “Đọc lời nhận xét mà tôi hoang mang quá. Theo tinh thần của Thông tư 30, mặc dù không có sự đánh giá, xếp loại như nhiều năm học trước, nhưng Bộ Giáo dục cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải đánh giá được sự tiến bộ hay không của từng học sinh chứ, nhưng tôi không thấy được điều đó”, anh nói.

Theo vị phụ huynh này, đối với học sinh tiểu học, lời nhận xét của thầy cô, cha mẹ rất quan trọng, nó có thể theo trẻ suốt cả cuộc đời, trở thành lời động viên hoặc nỗi ám ảnh. Vì vậy, các thầy cô đừng nên kiệm lời hoặc “nhân bản” các lời nhận xét ra như vậy. Khen thế nào để khơi gợi, khuyến khích được học sinh thực sự là một kỹ năng cần phải rèn luyện.

Chị Nguyễn Lan (Cầu Giấy) lại thắc mắc việc con gái được hai điểm 10, một điểm 9 nhưng không được giấy khen “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của học sinh” do không có chứng nhận ngoại khóa và một số hoạt động khác. Theo quy định, điểm kiểm tra định kỳ không được dùng làm tiêu chuẩn xếp loại học sinh mà để thầy cô, cha mẹ kiểm chứng lại việc đánh giá thường xuyên cả quá trình của con. Nhưng trên thực tế, các thầy cô vẫn dựa vào điểm đó để xếp loại là hoàn thành xuất sắc hay chỉ là hoàn thành.

Chị lo lắng, việc đánh giá học sinh dựa vào mặt nổi trội của các em về học tập, năng lực, phẩm chất dễ khiến cho con có thêm áp lực. Mặt khác, để có được học bạ đẹp sau này xét tuyển lên tuyến trên có thể xảy ra tình trạng chạy điểm kiểm tra học kỳ, chạy học bạ.

Đi họp phụ huynh về, anh Hà Văn Hải (Hai Bà Trưng) có con học lớp 4 cho biết, anh nghe cô nói một lần, đọc thêm nhận xét trong học bạ một lượt, chỉ biết là tất cả các môn của con đều “Hoàn thành”, không có môn nào “Chưa hoàn thành”. Theo anh Hải, việc chấm điểm hay nhận xét trong nhà trường cũng không có gì quan trọng, bởi vợ chồng anh cho con đi học thêm các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh ở trung tâm. “Ở đó, họ vẫn chấm điểm nên chúng tôi biết rõ được con mình học tập tiến bộ hay thụt lùi thông qua điểm số”, anh nói.

Chia sẻ về việc này, thầy Lê Đình Trình, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 cho biết dù đã có lời nhận xét, các phụ huynh vẫn nhìn vào điểm kiểm tra định kỳ để biết con học tập thế nào. “Họ thường quan niệm rằng 10 điểm là giỏi, 8 điểm là khá. Còn thầy cô phê Con biết tính toán trong phạm vi 100.000 đồng thì phụ huynh không biết là con đang yếu điểm nào, mạnh điểm nào để còn giúp con khắc phục. Các bậc cha mẹ ở nông thôn hoặc người lao động thì có khi còn không theo dõi sổ của con”, thầy Trình nói.

Bên cạnh nhiều phụ huynh phàn nàn về Thông tư 30, vẫn có một số cha mẹ đánh giá văn bản này giúp giảm được áp lực cho con khi không chấm điểm, không giao bài tập về nhà. Chị Tống Thị Ngọc có con học lớp 3 trường tiểu học quận Hoàn Kiếm rất thích mỗi tuần, mỗi tháng, hoặc sau mỗi bài học, con lại có thêm lời nhận xét trong vở. Kết thúc năm học, các môn của con trai chị đều “đạt” và “hoàn thành”.

Chị kể, hôm đi họp phụ huynh, cô giáo nhận xét để cha mẹ biết trước tình hình học tập của các con. Sau đó thì lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng thay nhau trình bày các mặt yếu, mạnh của lớp, thành viên nào cũng được nêu tên. Cô giáo chủ nhiệm giải thích rằng để các con nhận xét về nhau cho công bằng, cô giáo có muốn thiên vị bạn nào trong lớp cũng không được, đó cũng là cách để học sinh mạnh dạn hơn trước đám đông.

“Ở trường khác, lớp khác thì mình không biết. Nhưng lớp của con thì cô giáo nhận xét khá kỹ. Mỗi lần đi làm về, mình cũng theo dõi nhiều hơn đến vở học bài của con. Qua đó, cuối năm khi cô giáo đọc lời nhận xét thì phụ huynh biết được ít nhiều con có tiến bộ hay không”, chị Ngọc nói và cho hay một điều lợi nữa con không phải làm bài tập buổi tối nên có thời gian trò chuyện với bố mẹ.

Còn chị Thắm (Thanh Trì) thì cho rằng, những lời nhận xét trong sổ theo dõi, trong học bạ được các thầy cô rút ra từ suốt quá trình học tập của con, không chỉ dựa vào điểm thi. Những năm trước dựa vào điểm thi cuối kỳ mà đánh giá học sinh là chưa chuẩn xác hoàn toàn. Chị biết có nhiều trường hợp, lực học bình thường nhưng nhờ vào điểm thi nên tổng kết cả năm vẫn cao.

“Việc bỏ chấm điểm cũng tốt, mình không thích so sánh điểm số giữa các con để rồi so bì con nhà này học giỏi hơn con nhà kia khiến các cháu tủi thân”, chị nói.