Những thông tin mới nhất về tuyển sinh vào lớp 10 năm 2015

Làm thế nào để đăng ký nguyện vọng chính xác, được vào học một trường THPT ưng ý, có những hướng đi nào khác nếu không được vào công lập…? Những băn khoăn này được giải đáp sáng rõ trong chương trình truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 4.5.

Tuyển sinh lớp 10: Nhiều chọn lựa vào lớp 10

Tham gia buổi trực tuyến có ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT; bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1); ông Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3); ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1); ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) và cô Văn Thị Thiên Hà, Giám đốc Hệ thống chương trình VN hệ thống Trường quốc tế Á Châu.

Rất đông phụ huynh tham gia chương trình tư vấn trực tuyến “Đăng ký nguyện vọng chính xác vào lớp 10” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (4.5)
Tại buổi tư vấn trực tuyến, Lê Quang Nhật, học sinh (HS) Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) đặt câu hỏi làm thế nào để chọn nguyện vọng (NV) chính xác và trừ hao điểm như thế nào là phù hợp? Ông Hồ Phú Bạc khuyên: “HS nên dựa vào kết quả học tập lớp 9, bảng điểm chuẩn năm trước và các trường THPT gần nhà vì việc chọn trường cũng phải thuận tiện cho việc đi lại trong 3 năm tới”.

Nguyên tắc lựa chọn 3 nguyện vọng

Câu hỏi này cũng là băn khoăn của hầu hết HS và phụ huynh về việc tuyển sinh vào lớp 10. Ông Trần Mậu Minh chia sẻ kinh nghiệm: “Để trúng tuyển, HS chọn NV phù hợp với năng lực bản thân – Có thể áng chừng với điểm chuẩn diem thi lop 10 năm trước cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của năm nay”. Ông Minh thông tin cụ thể hơn: HS dựa vào kết quả học tập cả năm 3 môn văn, toán, ngoại ngữ và đặc biệt là bài kiểm tra cuối năm. Nên lấy điểm 3 môn này nhân với hệ số theo quy định của kỳ thi và tùy mức độ khó dễ của đề thi ở mỗi quận huyện nên trừ hao còn lại 85 – 90%. Với kết quả dự đoán này, HS nên chọn NV1 là trường yêu thích và tương ứng với sức học, NV2 trường gần nhà hoặc các quận lân cận nhưng vẫn nằm trong khả năng của mình. Còn NV3 phải là phương án dự phòng khi xấu nhất vẫn vào công lập – trường gần nhà, điểm thấp.

Không sợ đủ điểm mà không trúng tuyển

Một phụ huynh ở Q.10 lo lắng đưa ra các trường hợp giả định sau: “Nếu con tôi đăng ký NV1 vào trường A có điểm chuẩn là 38, NV2 trường B điểm chuẩn 35, NV3 trường C là 31 điểm. Con tôi được 36 điểm, không trúng NV1, dư điểm NV2 vào trường B. Liệu con tôi có rớt NV2 không vì trường này đã lấy hết chỉ tiêu cho NV1?”. Ông Hồ Phú Bạc giải thích: “Nguyên tắc làm điểm chuẩn, nếu không trúng tuyển NV1 thì phần mềm sẽ chạy tiếp và nếu đã trúng tuyển thì sẽ không còn tên HS khi xét các NV khác. Điểm chuẩn không phải do trường THPT quyết định từ trên xuống nên không phải lo lắng việc trường nhận đủ hồ sơ. Vì vậy, chỉ cần đăng ký NV và thỏa mãn điểm chuẩn thì chắc chắn có tên trong danh sách trúng tuyển”.

Quy tắc xét tuyển là chênh lệch giữa các NV không quá 1 điểm. Vì thế, ông Bạc khẳng định không thể có chuyện đủ điểm mà không trúng tuyển.

Cân nhắc khi thay đổi nguyện vọng

Sau khi HS nộp hồ sơ đăng ký NV, Sở sẽ công bố bảng số liệu NV ban đầu. Từ ngày 15 – 20.5 là khoảng thời gian HS có thể thay đổi NV. Tuy vậy, các chuyên gia tham gia buổi tư vấn đều cho rằng nếu ai cũng thay đổi NV là việc không nên. Ông Minh đưa ra ý kiến: “Từ bảng số liệu chúng ta tính được tỷ lệ chọi và nên tham khảo tỷ lệ chọi năm trước, không có sự đột biến thì nên giữ nguyên”. Còn ông Nguyễn Văn Vân chỉ ra thực tế: “Năm vừa qua, ban đầu trường có 4.300 HS đăng ký nhưng cuối cùng chỉ có 3 trường hợp thay đổi”. Bà Vũ Thị Ngọc Dung cũng cho rằng HS nên cân nhắc kỹ ngay từ lần đăng ký NV đầu tiên, dựa vào sức học của mình.

Học sinh không cần có hộ khẩu thường trú

Về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của TP.HCM diễn ra ngày 11 – 12.6, sớm hơn 10 ngày so với năm trước. HS không nhất thiết phải có hộ khẩu thường trú mà chỉ cần tạm trú và hoàn thành lớp 9 tại TP.HCM là có thể đăng ký tham gia thi tuyển. Riêng HS học lớp 9 ở tỉnh khác nếu muốn học tại TP.HCM thì phải thi tuyển lớp 10 ở địa phương sau đó mới làm thủ tục và chuyển trường. Năm nay tỷ lệ HS vào học lớp 10 công lập là 80% còn lại sẽ học các mô hình trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, trường TCCN, trung cấp nghề… Đặc biệt có chế độ miễn giảm 50% học phí cho HS học nghề. Những HS này sau thời gian học 3 hoặc 3 năm rưỡi sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng TCCN và vẫn có thể dự tuyển vào ĐH, CĐ nếu muốn.

“Nới” tuyển sinh vào lớp 10

Lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho phép các trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập (NCL) được tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Đó là một trong những điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2015 – 2016.

“Nới” tuyển sinh vào lớp 10

Thí sinh dự thi vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam năm học 2014 – 2015. Ảnh: HH

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Hà Nội dự kiến sẽ có 85.000 thí sinh tham gia, tăng khoảng 10.000 em so với năm 2014. Để giảm tải áp lực, lần đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép các trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT NCL tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Cụ thể: Các trường được giao chỉ tiêu từ 5 lớp trở xuống được phép tuyển vượt chỉ tiêu từ 10 – 20%, các trường được giao chỉ tiêu từ 6 lớp trở lên được phép tuyển vượt không quá 10%.

Lý giải về quy định mới này, bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Để đảm bảo tính tự chủ nhất định của các loại hình trường này, Sở cho phép tuyển vượt chỉ tiêu, nhưng các trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, đủ giáo viên, không vượt sĩ số so với quy định…

Sở GD&ĐT Hà Nội quy định, phương thức tuyển sinh năm nay không thay đổi vẫn kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Sở sẽ tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả các thí sinh tham dự với 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng 1 khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các trường chuyên. Ngoài ra, thí sinh có thể nộp đơn dự tuyển vào các trường THPT NCL hoặc học chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Điểm mới đáng chú ý của tuyển sinh lớp 10 năm nay là thí sinh dự thi thêm môn ngoại ngữ vào lớp chuyên ngữ chỉ phải thi 3 kỹ năng nghe, đọc và viết, bỏ thi kỹ năng nói. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với mọi năm.

Ngoài các điểm mới trên, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng mở rộng đối tượng được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Theo đó, giải khuyến khích quốc gia sẽ được cộng thêm 1,5 điểm.

Để đảm bảo công bằng, khách quan cho kỳ thi, ông Phạm Khắc Lợi, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, các trường phải hoàn thành điểm của học sinh lớp 9 vào ngày 10/5; sau 15/5, các trường phải niêm phong sổ điểm chính của học sinh lớp 9; từ 20 – 25/5, Sở sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra điểm bậc THCS, tình trạng niêm phong điểm bậc THCS, quy trình công khai với học sinh cũng như xác suất điểm bậc THCS để tránh tiêu cực.

“Sở cũng yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện phải tổ chức kiểm tra chéo 100% các cơ sở giáo dục về điểm bậc THCS, điểm cộng thêm, khuyến khích… Ngoài ra, Sở sẽ thành lập 8 – 10 đoàn thanh kiểm tra 50% đơn vị cơ sở tại các phòng GD&ĐT. Quá trình kiểm tra đặc biệt chú ý hồ sơ của học sinh trường NCL, tránh tình trạng bỏ, cắt xén môn học” – ông Lợi thông tin.