Lớp tình thương của những đứa trẻ tha phương

Lớp học của những đứa trẻ tha phương. Trung tâm học tập cộng đồng xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM có 93 học sinh tiểu học với hơn 95% là người nhập cư từ các tỉnh.

Cô Huỳnh Thị Tươi dạy học sinh lớp 1, 2 tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Bình Chánh, H.Bình Chánh - Ảnh: Minh Luân

 

Nói là trung tâm nhưng thực chất đây chỉ là một phòng học khoảng 20 m2. Buổi sáng, cô Huỳnh Thị Tươi phải ghép 54 học sinh (HS) lớp 1 và 2 lại để dạy. Vào buổi chiều, HS các lớp 3, 4, 5 cũng học chung tại phòng này.
Hầu hết những HS này quê ở các tỉnh khu vực ĐBSCL (Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh…), theo ba mẹ đến tạm trú ở địa phương từ nhiều năm nay. Có những em 12, 13 tuổi mới được lần đầu đến trường. Huỳnh Kim Ngân, 12 tuổi, quê ở Sóc Trăng kể: “Lúc em lên 6 tuổi thì ba mất, rồi em theo mẹ lên đây sinh sống. Mẹ em làm giúp việc. Giờ em đã 12 tuổi mới bắt đầu học lớp 1”. Huỳnh Yến Nhi, 13 tuổi, quê ở Bến Tre, theo cha mẹ lên sinh sống tại Bình Chánh, đang học lớp 2. Do hoàn cảnh gia đình, Nhi vừa nghỉ học một tháng và định nghỉ học luôn. Nhưng cô Tươi đã lặn lội đến nhà, gọi điện nói chuyện với cha mẹ Nhi để em trở lại lớp.
Hết tiểu học mới chịu làm giấy khai sinh
Nhiều HS ở đây không có giấy khai sinh nên giáo viên cho HS “nợ” lại giấy tờ. Theo một cán bộ của Phòng Giáo dục H.Bình Chánh, hiện có khoảng hơn 700 HS học tại các trung tâm học tập cộng đồng. Trong 13 xã thị của Bình Chánh thì xã Bình Hưng có lượng HS theo lớp cộng đồng đông nhất, hơn 200 em, xã Lê Minh Xuân cũng gần 200 em…
“Chúng tôi rất nhiều lần nói các em làm giấy tờ, nhưng cha mẹ các em cũng không quan tâm. Và chỉ khi các em học đến lớp 5, phụ huynh mới chịu về quê làm giấy khai sinh để cho con mình chuyển cấp”, vị cán bộ này nói.
Dạy ở các lớp học cộng đồng, theo cô Tươi, điều khó khăn nhất là ở phụ huynh. “Phụ huynh thường đi làm thuê làm mướn, họ ít hoặc không quan tâm đến việc học của con. Đó là chưa kể việc nhiều phụ huynh không biết chữ, không thể kèm cho con được, không thể hợp tác với giáo viên trong quá trình học của con mình”, cô Tươi cho biết.
Ngoài ra, cứ đến các dịp lễ tết thì hơn 1/3 HS của lớp nghỉ. Có HS nghỉ một vài ngày, có em nghỉ cả tuần, cả tháng. “Việc vận động các em đến lớp sau các kỳ nghỉ rất khó khăn. Có khi tôi tới nhà thì phụ huynh lại dọn sang thuê trọ ở chỗ khác, nhiều khi không biết đâu mà tìm”, cô Tươi cho biết.
Cô Huỳnh Thị Tươi trước đây là cán bộ xã, thấy có nhiều trẻ không biết chữ, thương quá nên mở lớp dạy tình thương. Đến năm 2007, cô về dạy tại trung tâm này cho đến nay.
Xem thêm: