John Terry: Người hùng của Chelsea

Biển người nhấp nhô trên khán đài Matthew Harding nhưng một trong những hình ảnh ấn tượng nhất là khi John Terry quỳ xuống, nhắm chặt mắt để cảm nhận không khí tại Stamford Bridge. Bên cạnh anh, bài hát vẫn cất lên và những chiếc khăn vẫy chào đoàn quân chiến thắng.

Đó là cách ăn mừng riêng của Terry sau nhiều năm đạt được vô số danh hiệu lớn nhỏ cùng Chelsea. Nhắc đến Terry, người ta nhớ tới một con người đồng hành gần như tuyệt đối với kỷ nguyên thành công của đội chủ sân Stamford Bridge. Người giữ cửa cuối cùng rồi cũng sẽ không còn nữa, như cái cách mà Frank Lampard đã ra đi, Terry gần như sẽ vắng bóng trong những lần ăn mừng tiếp theo của Chelsea khi hợp đồng của anh đáo hạn trong một năm tới.

Có một thống kê đáng chú ý ẩn chứa trong đó, rằng Chelsea đã giành được 25 danh hiệu lớn trong lịch sử và Terry góp mặt đến 16 lần, 64% số lần vô địch của đội bóng ban đầu chỉ được lập ra vào năm 1905 để lấp đầy sân vận động bị bỏ trống của Fulham.

1-9478-1430813657.jpg

John Terry ăn mừng chức vô địch Ngoại hạng Anh sau trận thắng Crystal Palace. Ảnh: AFP.

Trong một thời đại mà các đội bóng có thể sẵn sàng bỏ số tiền lớn để làm mới đội hình mà Chelsea là một đại diện tiêu biểu, những thành tích trên của Terry càng trở nên quý giá hơn. Kể từ ngày anh giành danh hiệu Ngoại hạng Anh đầu tiên cùng Chelsea, bảy đời HLV đã đến rồi ra đi, ít nhất 20 trung vệ đã từng đá cặp với Terry. Người đội trưởng của sân Stamford Bridge đã trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có cả những bê bối khiến người ta phải sững sờ.

Nhiều năm qua, Terry chơi bóng với nguy cơ tái phát chấn thương đầu gối nghiêm trọng. Anh không phải là một cầu thủ được lòng nhiều người nhưng với các CĐV Chelsea, anh là một tượng đài sừng sững. Thủ lĩnh của đội chủ sân Stamford Bridge là một trong số ít các cầu thủ mang tính biểu tượng cho một đội bóng.

Graeme Le Saux là đàn anh khi Terry được gọi lên đội một Chelsea năm 1998. Cựu tiền vệ 46 nhớ lại những gì đã xảy ra khi đó: “Khi bạn nhìn một cầu thủ tiến bộ vào năm 16 tuổi rồi nhìn những gì cậu ta đạt được, bạn không thể hoàn toàn tin đó là cùng một người. Cậu ấy đã rất tự tin ngay lần đầu tập luyện cùng đội một. Không phải là người to con nhất, cũng không nhanh nhất nhưng tôi lập tức ấn tượng với khả năng đọc trận đấu của cậu ấy. Cậu ấy luôn tò mò và thích đặt câu hỏi”.

17 năm khoác áo Chelsea, Terry đã để lại những khoảnh khắc điên rồ nhất, không chỉ để ghi dấu khả năng phòng ngự vững chắc của anh. Mới đây, trong trận đấu với West Ham, ba ngày sau chiến thắng tại chung kết Cúp Liên đoàn, Terry giữ lấy lưng mình, nhăn mặt vì cơn đau gân kheo và bị phạt thẻ vàng sau một pha vào bóng như trong môn rugby với Enner Valencia, nhưng tất cả những điều đó đã giúp Chelsea bảo toàn chiến thắng tối thiểu 1-0 để thẳng tiến đến ngôi vô địch.

“Cậu ấy rời khỏi khu y tế để đến với các trận đấu ngay cả khi điều đó không thực sự cần thiết. Cậu ấy luôn muốn cống hiến bất chấp những lời khuyên y tế. Bạn hãy nghĩ về sự hao mòn thể lực, những vết rách trên cơ thể cậu ấy, những gánh nặng về thể chất mà cậu ấy mang theo. Mặt xấu và mặt tốt: Sự hồi phục sau quả phạt đền hỏng ăn ở chung kết Champions League tại Moscow, những mâu thuẫn ở đội tuyển Anh, với cậu ấy, không được chơi bóng là sự mất mát lớn. Cậu ấy phải đương đầu với nhiều chuyện, trong đó có những thứ mâu thuẫn với nhau”, Le Saux nói về đàn em.

2-7600-1430813658.jpg

Terry (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng đội ăn mừng danh hiệu Ngoại hạng Anh 2004-2005. Ảnh: EPA.

Lúc này, có thể nói Terry là một cầu thủ có đời tư nhiều bê bối. Những câu chuyện về anh luôn là đề tài ăn khách nhất trên các mặt báo. Terry dính vào cáo buộc phân biệt chủng tộc với một đồng nghiệp (Anton Ferdinand) và phải tham dự một phiên tòa đầy tính mỉa mai. Dù trung vệ của Chelsea từ chối cáo buộc và sau đó được tuyên trắng án, vụ việc đã khiến Terry nhận không ít chỉ trích từ dư luận.

Nói Terry không bao giờ được yêu mến ở ngoài sân Stamford Bridge có thể không sai. Trong phạm vi của cụm từ “bóng đá trong sạch” có lẽ cũng không có chỗ cho cựu đội trưởng tuyển Anh nhưng sự thực, với khả năng của mình, Terry được xem là mẫu trung vệ hiện đại và anh có lẽ được yêu mên hơn nhiều bên ngoài nước Anh.

Năm 2011, theo thống kê, Terry là chân chuyền tốt thứ ba tại châu Âu, tỉ lệ chuyền bóng thành công của anh chỉ kém Xavi một chút. Thậm chí, số bàn thắng trong sự nghiệp của Terry còn nhiều hơn cả Andres Iniesta. Terry liên tục góp mặt trong đội hình tiêu biểu của FIFA từ năm 2005 đến 2009. Anh được nhiều nhà cầm quân tài năng xem là cậu học trò cưng. Carlo Ancelotti từng gọi Terry là “đội trưởngcủa những đội trưởng”. Fabio Capello, người từng dẫn dắt những chuyên gia phòng ngự như  Paolo Maldini, Franco Baresi hay Fabio Cannavaro, xem Terry là cầu thủ duy nhất không co rúm lại khi khoác lên mình chiếc áo của đội tuyển Anh.

Jose Mourinho xây dựng đội bóng vô địch xoay quanh người đội trưởng của mình. Terry chưa bao giờ được xem là nhanh nhẹn, anh càng không thể chạy nhiều ở độ tuổi này, với trung vệ của Chelsea, điều anh quan tâm không phải là bóng ở đâu mà là bóng sẽ đi đến đâu, khi nào cần thả lỏng và khi nào cần kèm chặt tiền đạo đối phương.

“Cậu ấy không chỉ có mặt sớm ở vị trí thích hợp, Terry luôn nhận thức được điều gì đang xảy ra xung quanh mình và 9/10 lần cậu ấy giành lại bóng thành công, cậu ấy cũng đảm bảo rằng bóng sẽ đến chân của cầu thủ có thể phát động tấn công. Khi bạn nhìn cậu ấy thời còn trẻ, bạn nghĩ cầu ấy là một cầu thủ có kỹ thuật nhưng sẽ sớm cảm thấy khó khăn khi về già bởi thể hình và tốc độ kém, nhưng bằng cách nào đó, cậu ấy đã nỗ lực để vượt qua điều đó. Từ khi còn rất trẻ, cậu ấy đã có mặt trên sân tập từ sớm và tự cải thiện những kỹ năng của mình, tập đá chân trái, các bài tập kỹ thuật”, Graeme Le Saux nói.

3-5393-1430813658.jpg

Dù lối chơi không còn táo bạo như xưa nhưng Terry vẫn là một chốt chặn đáng tin cậy trước khung thành Chelsea. Ảnh: AP.

Trong giai đoạn từ 18/10 năm ngoái đến 17/1 năm nay, Terry chỉ phạm lỗi duy nhất một lần. Tính đến thời điểm này, anh chỉ phạm lỗi 12 lần trong 35 trận, kém xa so với mùa giải 2008/2009, mùa giải mà Terry phạm lỗi đến 67 lần, kỷ lục trong sự nghiệp của anh. Đó là dấu hiệu cho thấy Terry đã bớt quyết liệt hơn, anh chọn cho mình một lối chơi thụ động nhưng tích cực, ít lao lên phía trước hơn thời còn trẻ. Đôi khi, điều này làm Chelsea dễ tổn thương. Khi cả Terry và Gary Cahill không áp sát Harry Kane và để tiền đạo trẻ của Tottenham xoay người lao thẳng về phía mình, Chelsea đã có lúc sợ hãi. Tương tự như ở trận đấu với PSG, Terry hoàn toàn có thể cầm bóng và lao lên phía trước, nhưng anh đã không làm thế. Đó là một lần ở mùa giải này, người ta thấy một Terry sợ hãi và không còn sự táo bạo của tuổi trẻ.

Dưới thời ông chủ Abramovich, John Terry không chỉ là một máy ủi với sức mạnh cơ bắp. Trải qua các đời HLV, đội trưởng của Chelsea luôn là người giữ ngọn lửa trong phòng thay đồ, tạo ra tinh thần chiến đấu của toàn đội và kết nối những điều mới và cũ.

16 chiếc cúp trong phòng lưu niệm và được nhớ tới với những câu chuyện đầy rẫy xoay quanh mình, ảnh hưởng của Terry với Chelsea giúp anh không chỉ là một chiến binh tại Stamford Bridge mà còn là một viên ngọc quý trên vương miện của nhà vô địch với sự hiện diện gắn liền với một giai đoạn lịch sử của bóng đá Anh.

Thông tin dành cho tín đồ xổ số:

Tags: